Năm ngoái, giữa vô vàn các bài hát khác, BTS đã phát hành ON và Life Goes On. Hai bài hát, là các lead single cho album Map of the Soul: 7 và BE, lần lượt được phát hành riêng rẽ nhưng mang lại chất lượng đối lập nhau. Trong khi ON thuộc loại hình biểu diễn quy mô lớn phù hợp với màn trình diễn của BTS tại sân vận động World Cup Seoul, thì giai điệu êm dịu của “Life Goes On” là sự hòa hợp của nội tâm đầy rối bời mà các thành viên phải chịu đựng trong suốt đại dịch. Hỗ trợ thêm vào giai điệu này, Life Goes On thể hiện cách giảm bớt đi phần nhạc cụ và tăng lên nội lực của giọng hát đủ để người nghe có thể nghe thấy được cả hơi thở và những sắc thái dù chỉ là rất nhỏ trong màn trình diễn của các thành viên, từ đó thể hiện cảm xúc một cách sống động nhưng không kém phần tinh tế. Ngược lại, không gian dành cho giọng hát trong ON tương đối nhỏ để làm nổi bật kèn, trống và phần chorus đa tầng gợi nên sự hùng vĩ của sân khấu. Trong suốt một năm, BTS chuyển đổi giữa ON, Dynamite và Life Goes On, thể hiện phong cách luôn thay đổi linh hoạt của họ. Thanh âm của âm nhạc kéo dài suốt thời gian đó mô tả chi tiết loại không gian mà mỗi bài hát đang cố gắng thể hiện: ON tuyệt nhiên là một buổi hòa nhạc ở sân vận động qua những gì ta được nghe, trong khi Life Goes On đúng như cách mà MV kèm vào, gần giống như lời độc thoại cất lên trong một căn phòng nhỏ.
“Tôi nghĩ một bài hát hay là một bài hát vẽ nên một bức tranh rõ ràng.” Cảm nghĩ này thuộc về Pdogg, producer giám sát album của nhóm, mô tả trực quan thanh âm của BTS. ON không được tạo ra ở quy mô lớn chỉ đơn giản bằng cách dồn nhiều âm thanh, mà là ở không gian rộng được lấp đầy bởi các chi tiết từ nhiều nhạc cụ và chorus, tạo ra nhiều lớp bao quanh và đệm sau giọng hát. Phạm vi không gian được mô tả trong Life Goes On bị thu hẹp bởi âm trầm lớn ở phía trước, bộ gõ dường như phát ra trực tiếp vào ngay bên tai trái và tiếng vỗ tay vang rộng hơn một chút. “Chúng tôi đã cố gắng để giữ nguồn năng lượng được nhìn thấy trong phần biểu diễn của MV đồng thời thể hiện phần nào sự cô đơn đằng sau nó”, Pdogg nói về việc thu âm ON, chia sẻ thêm rằng “đó là bước khởi đầu của việc tạo ra âm nhạc nơi mọi người có thể cảm thấy hòa mình vào màn trình diễn”. Trong âm nhạc của BTS, thanh âm là phương tiện truyền tải hình ảnh trực quan của bài hát không chỉ sử dụng hệ nhị phân trái - phải mà còn cả không gian ba chiều ở phía trước và phía sau - nói cách khác là mise-en-scène (thuật ngữ hay được sử dụng trong điện ảnh, hiểu đơn giản là “sắp xếp và dàn dựng sân khấu hoặc cảnh phim”) được xây dựng thông qua thanh âm.
Bản thân “Blue & Grey” là một loại độc thoại truyền tải những xung đột nội tâm mà V đã trải qua vào thời điểm cậu ấy viết bài hát, âm vang xa xôi vang vọng gây ấn tượng với người nghe cảm giác về một không gian vô thực. Phần rap của RM tạo nên một bầu không khí đẹp như mơ, chuyển từ trung tâm đến loa bên phải và vang ngược lại sang loa bên trái. Tuy nhiên, lời bài hát cuối cùng - “Sau khi bí mật gửi gắm những câu chữ của tôi lên không trung / Bây giờ tôi lại chìm vào giấc ngủ giữa ánh bình minh” -thanh âm lập tức phát ra, như thể V đang hát trực tiếp trước mặt người nghe vậy. Phần sáng tác này dường như gợi ý cho V, người đã bắt đầu bài hát với câu hỏi "Thiên thần của tôi đang nơi đâu?" trở lại từ suy ngẫm sâu sắc đến cuộc độc thoại nơi hiện thực. Bài hát DNA có lời bài hát như “sự quan phòng của vũ trụ” và “từ ngày vũ trụ được hình thành” và để nói về mặt âm nhạc, sử dụng thanh âm trong không gian vũ trụ và một con tàu tên lửa như một phần quan trọng của bài hát. Khi những thanh âm này lướt qua trong MV, camera sẽ theo dõi chuyển động của nhóm, trong khi hiển thị bối cảnh vũ trụ rộng lớn phía sau trong phần nhảy đôi của Jung Kook và V. Âm thanh và video được sắp xếp với nhau để tạo ra một bức tranh thống nhất và định dạng cho giả thuyết, vì lý do này mà mỗi bài hát có một hương vị thanh âm khác nhau. Mục đích khi thu âm một bài hát của BTS không chỉ đơn giản là làm cho giọng hát hoặc một số beat nổi bật. Theo lời của Pdogg, âm thanh của các bài hát truyền tải “cốt lõi của những gì chúng tôi đang theo đuổi, những gì mà chúng tôi muốn thể hiện”.
Từ No More Dream đến Life Goes On, BTS đã phát triển về mặt âm nhạc nhờ sự thay đổi trong thanh âm và thông điệp của nhóm. Pdogg chia sẻ rằng: “Trong những ngày đầu thành lập nhóm, tôi nghĩ rằng phải cực kỳ thú vị để có thể lắng nghe, bất kể trong hoàn cảnh như thế nào, để gây ấn tượng với nhiều thính giả nhất có thể”. Kế tiếp BTS của những ngày tháng thuở No More Dream, nhóm của hiện tại đã thể hiện phạm vi âm nhạc rộng lớn hơn nhiều trong năm qua với ON, Dynamite và Life Goes On. Nhìn xa hơn vào “school trilogy”, cái tên bao gồm ba album đầu tiên của nhóm, sự thay đổi diễn ra trên các album tiếp theo của nhóm qua các bài hát: Danger (2014), với không gian phía trước và phía sau bài hát được mở rộng một cách vô cùng sáng tạo; I NEED U (2015), liên tục tràn ngập những âm thanh gần giống như một dàn nhạc đầy đủ nhạc khí; nỗi lo lắng với xúc cảm tăm tối của chàng thiếu niên khi bước chân vào thế giới của người trưởng thành trong Blood Sweat & Tears” (2016), Pdogg nói tiếp: “So với các bài hát trước đây của BTS, một phương pháp hát và cách tiếp cận hoàn toàn khác” để chỉ về vocal đã được sử dụng; FAKE LOVE (2018), mở đầu và kết thúc của nó thì trùng lặp và gối chồng giọng hát của các thành viên với nhau để định hình âm nhạc cho chủ đề “mặt nạ” của album; danh sách ca khúc cứ kéo dài như vậy. Vào thời điểm đó, thông điệp của BTS đã thay đổi để bắt kịp tốc độ phát triển của họ và do đó, một thế giới thanh âm được thiết kế trau chuốt công phu đã hình thành. Theo Pdogg, đây là kết quả của việc nỗ lực “tránh lặp lại các thể loại tương tự và có liên quan, cố gắng tạo ra các thay đổi cho dù nhỏ nhặt đến đâu”. Tất nhiên các nghệ sĩ liên tục phải đối mặt với những thách thức trong quá trình này. Để thu âm cho album BE, Pdogg tiết lộ “các thành viên có nhiệm vụ khó nhằn là bộc lộ cảm xúc của họ với âm vực khác với âm vực bình thường của họ, vì họ phải tìm ra trung tâm giữa tất cả các chất giọng hoàn toàn khác nhau”. Anh ấy nói điều này là "bởi vì thời gian không ngừng thay đổi và tiếng hát của người nghệ sĩ phản ánh cả một hệ tư tưởng của thời đại”.
Pdogg đặc biệt chỉ ra năm 2014, khi anh ấy đang làm việc để phát hành Danger, đây là một bước ngoặt quan trọng trong thanh âm của BTS. Buổi thu âm và hòa âm cho Danger diễn ra tại Hoa Kỳ, nơi anh ấy chia sẻ ý tưởng và thảo luận với các staff. Ở đó, anh ấy đã có thể thực hiện những nỗ lực táo bạo, độc đáo như cố tình thêm vào những khoảng delay kéo dài hoặc các reverb mạnh trong đoạn rap. Điều này sau đó đã tạo cảm hứng cho BTS có thể linh hoạt tùy thuộc vào định hướng và mục đích của từng bài hát. Vào thời điểm họ làm việc với album LOVE YOURSELF, những thử nghiệm như vậy đã giúp cho các phương pháp tiếp cận đa dạng hơn có thể thực hiện được với sự đầu tư nhiều hơn vào môi trường thu âm. “Chúng tôi đã làm việc từ xa ở Hàn Quốc với các kỹ sư từ Hoa Kỳ”, Pdogg nói. “Chúng tôi đã mua và lắp đặt cùng một loại thiết bị được sử dụng bởi các kỹ sư người Mỹ để có thể trao đổi ý tưởng một cách hiệu quả về định hướng kết hợp âm thanh nên thực hiện. Điều đó có được nhờ vào sự đầu tư tài chính”, anh ấy nói thêm, “BTS tích cực đưa ra ý kiến của họ về âm thanh trên các phần mà nhóm thực hiện sản xuất; các thành viên trong nhóm thường nói “Em nghĩ phần âm thanh nên như thế này ạ”. Pdogg cũng tiết lộ rằng “đặc biệt là trong trường hợp của BE, các thành viên thậm chí còn tham gia vào quá trình hòa âm và nảy ra rất nhiều ý tưởng”. Nói tóm lại, cách Big Hit Entertainment tiếp tục phát triển thông điệp của album và những màn trình diễn phức tạp cân nhắc đến âm thanh độc đáo của họ là kết quả của việc trải qua vô vàn các thử thách âm nhạc, cởi mở với những trải nghiệm mới và sự phát triển của các nghệ sĩ của họ.
“Định hướng âm thanh hiện tại của Big Hit Entertainment khác đi nhiều so với trước đây. Xem xét các xu hướng hiện tại của dòng nhạc pop, chúng tôi đang hướng tới một loại hình âm thanh khác biệt với lúc trước. Vì vậy, thay vì nói “Đây là âm nhạc của chúng tôi” và kiên trì với điều đó thì chúng tôi tiếp tục thay đổi nó để bắt kịp xu hướng thời đại”. Ở đây, Slow Rabbit mô tả ngắn gọn âm thanh của Big Hit Entertainment. Các xu hướng liên tục phát triển và những nhà sản xuất âm nhạc luôn bắt kịp những thay đổi bằng cách liên tục thử các thể loại và phong cách âm nhạc khác nhau. Đồng thời, âm nhạc phải được sản xuất theo cách biểu diễn của các nghệ sĩ dưới cái tên K-pop để có thể áp dụng nó và hơn nữa, nó phải được điều chỉnh để phù hợp với cá tính và sự phát triển của mỗi nghệ sĩ. Cũng giống như cách mà sự thành công của ngành công nghiệp K-pop bắt nguồn từ việc kết hợp nhiều thể loại khác nhau và các yếu tố giải trí hiện đại như âm nhạc, vũ đạo, MV và mạng xã hội nên âm nhạc K-pop phải xem xét tất cả những điều này và cô đọng nó thành một bài hát dài ba phút. Âm thanh của Big Hit Entertainment là một tập hợp toàn diện của tất cả những thay đổi đó và một câu hỏi sẽ lại bắt đầu một lần nữa cho đến khi nó đi đến kết luận. Âm thanh K-pop hiện tại nên hình thành như thế nào giữa vô vàn các xu hướng âm nhạc toàn cầu, các thị hiếu đa dạng của người hâm mộ K-pop trên toàn thế giới và mỗi nghệ sĩ phải kiến tạo nên thế giới âm nhạc độc đáo của họ ra làm sao để thu hút sự chú ý của người hâm mộ? Thay vì tìm kiếm một câu trả lời cố định cho những câu hỏi này, Big Hit Entertainment sẽ chuẩn bị các câu trả lời khác nhau khi cần thiết. Có lẽ việc nhìn lại quãng thời gian của mình kể từ khi BTS ra mắt của Pdogg đã phần nào đưa ra được câu trả lời: “Mỗi khoảnh khắc đều có những thách thức của chính bản thân nó”.
Các bài hát Pdogg đề xuất:
▪ Tomorrow
“Tomorrow là ca khúc mà SUGA và Slow Rabbit hợp tác sản xuất. Tôi nhớ rằng lời bài hát được viết bởi các thành viên đã khiến tôi đồng cảm. Có cảm giác thật mới mẻ khi lắng nghe những giọng hát tươi mới nhưng mang chút màu tuyệt vọng của các thành viên bây giờ, 7 năm sau khi ca khúc được phát hành. Phần nhạc cụ guitar ở đây cũng được sử dụng trong My Time của Jungkook, thế nên sẽ thú vị khi so sánh chúng trong lúc các bạn nghe hai bài hát này.”
▪ 2! 3!
“Chỉ cần nghe khúc nhạc dạo thôi cũng đã khiến tôi nghẹn ngào. Đây là ca khúc mà thông qua đó, các thành viên gửi gắm nỗi lòng của mình đến những người hâm mộ. Thông thường, các bài hát dành riêng cho người hâm mộ có xu hướng khiến tinh thần phấn khởi hoặc hy vọng, hay một điều gì đó chứa đựng một lời cảm ơn đến người hâm mộ. Tuy nhiên, vì đó là Bangtan ‘Started From the Bottom’ (bắt đầu khi còn ở đáy vực), thế nên Bangtanies và người hâm mộ đều đã chịu rất nhiều tổn thương trên con đường trưởng thành từng bước một. Bây giờ tôi đã có thể nói về bài hát trong lúc mỉm cười, thế nhưng lời bài hát thực sự chứa đựng tấm lòng chân thành của Bangtan khiến tôi buồn và âu sầu mỗi khi lắng nghe ca khúc.”
▪ Just One Day
“Đó là bài hát mà chúng tôi đã làm việc trong một năm trước khi BTS ra mắt thế nên các bạn có thể nghe được giọng rap và giọng hát tươi mới và chưa-được-trau-chuốt của họ. Thực tế, về phần của Jungkook, chúng tôi sử dụng bản ghi của cậu ấy vào năm 2012, và tôi rất thích cái cảm giác thô sơ, chưa trau chuốt đó. Tôi lắng nghe nó khi tôi nhớ về giọng hát vụng về nhưng tươi mới của BTS, những giọng hát hiện đang nhận được sự yêu mến trên khắp thế giới, và điều đó làm tôi hạnh phúc.”
▪ Cypher pt.3:KILLER (feat Supreme Boi)
“Một ca khúc thể hiện rõ ràng về việc âm nhạc nguyên gốc của BTS là hip hop. Nhờ những đoạn rap thể hiện cá tính sống động của các thành viên, bài hát không chứa một khoảnh khắc nào là cảm thấy buồn chán ngay cả khi thời gian chạy dài. Cá nhân tôi nghĩ đây là ca khúc mang lại cho tôi niềm vui lớn nhất khi nhìn thấy nó được trình diễn ở một buổi concert. Ngắm nhìn và lắng nghe phiên bản ở concert, bạn có thể sẽ trở thành rap star luôn!”
▪ Save ME
“Tôi cực kỳ hài lòng với bài hát này về mức độ hoàn chỉnh. Tôi đề xuất các bạn nên nghe ca khúc này trong lúc xem MV. Ca khúc mang hơi hướng buồn bã nhưng đầy năng lượng, vũ đạo phức tạp, bầu trời âm u, nhiều mây và trang phục đơn giản hằng ngày. Nó là mảnh ghép tạo nên hình dáng của bức tranh mà bài hát muốn truyền tải.”
0 Comments:
Đăng nhận xét